Một có rẽ liệu có thể khiến ta lạc đường?
Kể từ giây phút mình ôm thảm tới phòng tập yoga thì bánh xe đã bắt đầu lăn về một ngã rẽ mới. Mình vẫn nhớ buổi tập đầu tiên đã diễn ra khó khăn như thế nào...
35 tuổi mà còn “nhảy việc” thì có liều lĩnh quá không?
Khi ta vừa 20, những cú rẽ có thể khiến ta lo sợ. Dù là cú rẽ trong việc theo học một ngành nghề nào đấy, một công việc nào đấy; hoặc là cú rẽ sau một câu chuyện tình.
Ta sợ mình rẽ nhầm. Sợ mình không đủ thời gian để quay trở lại trong khi bạn bè đã bắt đầu có thành tựu trong sự nghiệp hay sự ổn định trong cuộc sống riêng. Sợ không kịp nhận ra mình đã “rẽ sai”, và ta sợ mình lạc lối.
Khi ta bắt đầu chạm ngưỡng 40, những tưởng sự trưởng thành lẫn những va vấp thời trẻ sẽ khiến ta can đảm hơn, ta không còn sợ những cú rẽ nữa. Nhưng không hẳn. Những cú rẽ, dù có sự chuẩn bị chu đáo, vẫn có thể khiến ta thấy lo sợ. Vẫn là sợ rẽ nhầm và sợ mình còn quá ít thời gian để quay trở lại sửa chữa sai lầm, vì ta đâu còn trẻ nữa. Cho dù ta có thể tự lừa phỉnh bản thân rằng: Ở độ tuổi này, ta còn gì để mà sợ nữa đâu?
Cách đây gần 5 năm, vào năm 35 tuổi, mình đã có một-cú-rẽ-muộn. Tại sao lại gọi đó là cú-rẽ-muộn? Với một người luôn đặt sự an toàn và ổn định lên trên hết, lại là một người rất sợ phải thay đổi, thì quyết định “nhảy việc” là khá liều lĩnh. Mình quyết định từ bỏ một công việc đã gắn bó với cả thời thanh xuân để chuyển sang làm một công việc hoàn toàn mới mẻ và chẳng có chút gì liên quan tới những gì mình đã gầy dựng trước đó: Huấn luyện viên yoga.
Mình tìm đến với yoga ban đầu vì muốn cải thiện sức khỏe. Kể từ giây phút mình ôm thảm tới phòng tập yoga thì bánh xe đã bắt đầu lăn về một ngã rẽ mới. Mình vẫn nhớ buổi tập đầu tiên đã diễn ra khó khăn như thế nào. Mình không theo hết bài tập vì cơ thể mập mạp này đã ngồi máy tính và lười vận động quá lâu. Sau buổi tập, đôi chân mình vẫn còn run run khi bước xuống cầu thang và toàn thân thì đau ê ẩm.
“Mình không còn trẻ để làm quen với một bộ môn mới”
“Có quá nhiều động tác mình không thể thực hiện được”
“Cơ thể nặng nề và cứng ngắc, nó không chịu nghe lời mình”
“Mình nên dừng lại hay tiếp tục?”
…
Ý thức về việc bản thân đã “không còn trẻ” cũng chính là một áp lực rồi, nhưng mình cũng tự nhủ: “Phải thử xem thế nào đã”.
Mình đăng ký tập yoga 3 buổi/tuần, sau đó tăng dần lên 5 buổi/tuần, và 10 buổi/tuần. Mình giảm cân như một kì tích: từ 64kg xuống còn 54kg. Mình di chuyển linh hoạt hơn trong các buổi tập và cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn. Mình đem cả đồ ăn và sách tới để sẵn sàng tâm thế tập một ngày 2 ca. Mình gần như ăn ngủ ở phòng tập
Một năm sau khi theo tập yoga, mình đăng ký khóa Huấn luyện viên Yoga 200 giờ. Và đó là một bước ngoặt mới.
Năm 37 tuổi, mình trở thành huấn luyện viên yoga và chính thức xin nghỉ làm ở tòa soạn báo. Đó không phải là một quyết định dễ dàng. Bởi vì trước đó bản thân mình đã cảm thấy khó kết nối với các độc giả trẻ trong suốt một thời gian dài, cảm thấy lo lắng vì sự gắn bó với công việc ngày một rời rạc. Trong khi đồng nghiệp nhanh nhẹn lăn xả hết mình với những dự án mới thì mình cứ ì ạch lê từng bước nặng nhọc hệt như một chiếc đồng hồ sắp cạn pin.
Và yoga đến như một chiếc phao cứu sinh. Mình đã bám vào nó trong giây phút bản thân cảm thấy mất kết nối với một điều thân thương đã cũ. Vào độ tuổi mà bạn bè đã đạt thành tựu ổn định trong sự nghiệp và cứ thế tiến bước, thì mình chọn dừng lại công việc cũ và bắt đầu với một ngã rẽ mới mẻ.
Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước về ngày-rời-xa nhưng mình vẫn cảm thấy hụt hẫng. Một bước chân đi sai liệu có khiến mình lạc lối không? Mình chưa có câu trả lời, chỉ là, từ bên trong mình cảm nhận được rõ một sự thôi thúc phải “làm mới” bản thân. Phải làm một điều gì đó để phá vỡ những chuỗi ngày bị mắc kẹt này.
Mình lăn xả với công việc mới. Và mình đã có khoảng 2 năm hoàn toàn ngừng viết để dồn sức cho yoga. Mình háo hức xách thảm đi tập yoga, đi hướng dẫn yoga và học workshop ở nhiều nơi, sau cùng là quay về và chọn cho mình một “phong cách” thực hành yoga phù hợp để theo đuổi. Lịch dạy đều đặn và cơ hội hướng dẫn yoga trên sóng truyền hình đã khiến cho cuộc sống của mình như được thổi một làn gió mới. Và mình đã từng nghĩ: Mình hết duyên với nghề viết rồi, dừng lại ở đây là vừa đẹp.
Thế rồi mình gặp cô, một danh ca ở ẩn. Cô năm nay đã ngoài 70 tuổi và chỉ muốn tập yoga nhẹ nhàng để duy trì sức khỏe tốt. Cô và mình cùng ngồi trên thảm, vừa vận động nhẹ nhàng vừa trò chuyện với nhau. Cô kể cho mình nghe về một thời thanh xuân rực rỡ với những buổi biểu diễn ở trong và ngoài nước, tình cảm khó quên của những người hâm mộ dành cho cô. Là một danh ca vừa có cả sắc lẫn tài, ấy vậy mà cô lại giải nghệ vào đúng thời điểm sự nghiệp đang thăng hoa nhất vì nhiều biến cố đã xảy đến. Cô rời ánh đèn sân khấu và mưu sinh với nhiều công việc khác nhau để nuôi con nhỏ. Cô kể rằng, cô không dám lui tới những nơi mình từng diễn, cắt hết liên lạc với đồng nghiệp… để sân khấu và những ca khúc vang danh một thời sẽ chỉ là một kí ức đẹp trong cô.
“Chắc là cô đã nhớ nghề lắm?”
“Nhớ chứ con, nhưng mình đã lựa chọn rồi, và vì thế mình phải mạnh mẽ”
Mình lặng yên ngồi nghe cô kể chuyện. Cũng bao lâu rồi mình không dám mở email, hạn chế gặp bạn bè làm nghề viết, cũng chẳng đọc sách. Ngày đêm mình làm bạn với tấm thảm, nhìn từng giọt mồ hôi chảy xuống và tự nhủ với chính mình “Phải mạnh mẽ lên!”
Từng nghĩ rằng sẽ gắn bó cả đời với nghề viết, vậy mà mình đã dừng viết. Cũng phải thừa nhận rằng, hai năm tạm dừng viết đó đã khiến mình như lột xác và trở thành một con người mới: thần sắc tươi tắn hơn vì mình chăm chút cho bữa ăn và vẻ bề ngoài nhiều hơn. Mình thấy bản thân như trẻ lại.
Không deadline, không KPI, không có những đêm thức muộn vì phải viết hay dựng bài, không phải làm báo cáo tuần, cũng không cảm thấy áp lực vì cảm giác “mình làm việc dở tệ”. Điều đó đã khiến mình cảm thấy tự do hơn.
Công việc mới khá ổn với lịch dạy đều đặn và thu nhập còn nhỉnh hơn lúc trước một chút. Mình nhận ra vài bài học nho nhỏ nhưng thực sự rất có giá trị với chính mình:
1. Mình vẫn có thể sống tốt với một khả năng mới, một vai trò mới, một công việc mới
2. Một ngã rẽ sẽ luôn đúng nếu những nỗ lực của mình bắt đầu đạt thành tựu (dù là nhỏ bé thôi)
3. Bất cứ ai, dù ở độ tuổi nào, cũng đều có nhiều hơn một lựa chọn. Miễn là mình cố gắng đủ nhiều
Gửi tuổi 20: Giai đoạn chuyển mình có thể sẽ khiến em hoang mang
Cho dù trước đó em đã có sự chuẩn bị vững vàng thì tâm lý hoang mang vẫn là điều có thể xảy đến.
Như một người lái xe có thể xem trước trên Google Map để biết sắp tới sắp có khúc cua và chuẩn bị giảm tốc nhưng sẽ vẫn có những sự cố bất ngờ ập tới, như là một chiếc xe mất phanh đi ngược chiều.
Như một người thợ làm bánh lành nghề đã cẩn trọng canh giờ bánh chín để tắt lò hoặc gia giảm nhiệt độ khi cần nhưng bánh vẫn có thể cháy vì một vài sự cố kĩ thuật.
Như một người trồng cây có thể nhận biết được thời điểm cây sắp trổ bông để chủ động cung cấp thêm dưỡng chất hoặc cắt lá tỉa cành để cây dồn dưỡng chất cho mầm sống mới, nhưng vì lý do thời tiết mà mọi chuyện không suôn sẻ như kì vọng.
Sự chủ động là điều cần thiết, nhưng cũng cần chừa khoảng trống cho những yếu tố bất ngờ ngoài dự kiến.
Ý thức về việc cần có một bước chuyển từ bên trong hay chủ yếu là do sự tác động/hối thúc/giục giã từ bên ngoài có nhiều điểm khác biệt ở mỗi người. Sự nhanh nhạy và kịp thời là yếu tố tiên quyết trong việc nhận định khả năng "thành công" của MỘT CÚ RẼ.
Có thể là một cú rẽ ngang trong đời sống tình cảm.
Có thể là một cú rẽ ngang trong quá trình học tập.
Có thể là một cú rẽ ngang trong việc thay đổi lộ trình phát triển của riêng em.
Cũng có thể là một sự thay đổi nào đó trong nội tâm, khiến em dần trở nên khác biệt so với chính em của ngày trước (em trưởng thành hơn, em đã vượt qua được những tổn thương cũ, em trở nên dạn dĩ hơn so với phiên bản rụt rè ngày trước...).
...
Có thể là bất cứ điều gì, sự kiện gì... dù lớn, dù nhỏ.
Cảm xúc đôi khi rất lộn xộn và mơ hồ, em cứ ghi nhận. Và trong giai đoạn này, để không cảm thấy sốc vì một cú rẽ bất ngờ (mà em không lường trước được), em có thể vạch sẵn ra những “điểm neo” (là những giá trị bền vững mà em đã có hoặc đang từng bước gầy dựng). Những “điểm neo” này kết nối với nhau và tạo thành một đường dẫn. Cứ bám theo đường dẫn đó, em sẽ không lạc đường.
Giai đoạn chuyển mình là một lẽ tự nhiên. Như một chiếc bánh sắp chín, một nụ hoa sắp bung nở, một cơn mưa rào sắp xuất hiện. "Chuyển mình" là một bước tiến, dù ở góc nhìn nào, nó vẫn luôn là một bước phát triển mới. Em có chút háo hức nào về giai đoạn sau đó, rằng em sẽ ra sao, trông em - một phiên bản mới, sẽ như thế nào?
Tuổi trẻ là một lợi thế. Vì nếu rẽ nhầm, em vẫn còn đủ thời gian để quay trở lại.
Ở tuổi 40, vì không còn nhiều thời gian để quay trở lại “sửa sai” nên sự can đảm dấn bước với một tâm thế “Mình phải làm được” là một yếu tố mang tính sống còn.