Mình là ai? Mình là một-người-viết
Nhưng để trở thành một người viết, mình đã từng có kha khá trải nghiệm khác nhau với cùng vai trò là người viết: Viết báo, viết truyện ngắn & truyện cười, viết sách, viết bài PR...
Nếu tính từ khoảng thời gian tập tành viết bài gửi báo từ khi còn học phổ thông cho tới nay thì mình đã có ngót nghét hơn 20 rèn viết. Trong khoảng thời gian đó, mình đã đúc kết được kha khá kinh nghiệm rèn viết; viết tin bài trên báo và đào tạo cộng tác viên viết tin bài đăng báo; viết sách; viết bài PR và chấp bút. Mong rằng những chia sẻ thật tâm và giản dị này, biết đâu, sẽ đem đến một vài điều gì đó hữu ích cho bạn!
Mình là ai? À, có thể cần tới… một vài tên gọi
Trên app LinkedIn, sau khi mình đã liệt kê thông tin cơ bản về bản thân, “nó” vẫn hỏi thêm: “Bạn còn kĩ năng nào khác nữa không?”
Đến một cái app nó còn “khuyến khích” bạn liệt kê nhiều hơn 3 kĩ năng về bản thân, thì tại sao bạn lại tự giới hạn chính mình?
Ngày trước, mình vẫn nói vui vui rằng, mình thấy mình sử dụng chính mình còn... tệ hơn mình sử dụng một chiếc máy giặt.
Lý do số 1: Máy giặt nào cũng có hướng dẫn sử dụng, còn mình thì không
Lý do số 2: Mình xài máy giặt thường xuyên, triệt để, còn bản thân mình thì chưa
Còn nhiều nguồn “tài nguyên” bị bỏ quên, chưa được khai thác lắm!
Vào năm 35 tuổi, mình quyết định phải tự đi... khai hoang chính mình, bằng việc đầu tiên là “Phải làm một điều gì đó với cơ thể”. Mình đi tập yoga, đi học khóa HLV, các buổi workshop, tập ở chỗ này chỗ kia với thầy này cô kia. Học và tập, tập rồi học. Sau đó, mình lên thảm với vai trò là HLV với rất nhiều năng lượng của một người đã tìm thấy một “nguồn tài nguyên mới” của chính mình.
Vào năm 39 tuổi, mình quyết định đi tìm, trau dồi và khai thác thêm một nguồn “tài nguyên” khác: Tham vấn Tâm lý. Mình đã học xong và lấy được chứng chỉ, cần trải qua 100 giờ tham vấn có sự giám sát của Trung Tâm nữa là có thể “ra nghề”. Trong quá trình hoàn thành 100 giờ tham vấn, mình tiếp tục trau dồi cho các kĩ năng lẫn kiến thức bằng nhiều phương thức khác nhau: Đọc sách & tài liệu, tham gia các workshop, thực hành trong cuộc sống hàng ngày...
Vào năm 40 tuổi, mình chọn dấn thân sâu hơn vào mảng sách thiếu nhi với văn phong hài hước. Mình sẽ nghiêm túc viết sách hài. Viết hài cần sự hài hước, kĩ năng viết linh hoạt, và trên hết là cần một tinh thần làm việc nghiêm túc. Mình tìm đọc những cuốn sách thiếu nhi viết với văn phong hài hước, để tìm những điểm gặp gỡ giữa tác giả và độc giả cũng như giữa những-người-trưởng-thành và các độc giả nhí, giữa chính tác giả và đứa-trẻ-ở-bên-trong chính mình... Sẽ có rất nhiều những cuộc gặp gỡ đan xen hoặc cùng một lúc xuất hiện trong tác phẩm. Thú vị chứ!
Cũng vào thời điểm này, mình quyết định công khai một công việc mà mình vẫn làm âm thầm suốt bao năm qua: Ghost writer (người viết thuê). Mình vẫn đi viết content thuê cho các KOL, vài mối quan hệ quen biết... bao năm qua. Kể từ năm nay, mình nhận viết sách. Đây cũng là một công việc mang tính “phiêu lưu” và chắc chắn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm “để đời” cho một tác giả. Kĩ năng viết linh hoạt sẽ được nâng lên đáng kể. Mình tin vậy!
Mình có thể làm việc và sống với nhiều vai trò khác nhau, cùng nằm trong một “hệ sinh thái” và hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Nên khi có ai đó hỏi mình là ai, có thể mình sẽ... kéo họ xuống và kể cho họ nghe một câu chuyện dài. Câu trả lời dài đấy, nó phải là một (vài) câu chuyện.
Viết để nhìn rõ mình
Thực ra, mỗi khi bạn ngồi xuống và viết về một vài điều gì đó, não bộ sẽ rà soát lại những dữ kiện, cảm xúc và tái hiện lại mọi thứ hệt như một cuốn phim quay chậm. Lúc này chỉ có bạn và màn hình laptop, màn hình điện thoại hay cuốn sổ tay. Bạn có cơ hội đối diện với chính mình, với những suy nghĩ và trạng thái cảm xúc trải dài từ quá khứ cho tới hiện tại, hoặc trọn vẹn với hiện tại.
Ngay giây phút này, việc thành thật với bản thân qua câu chữ sẽ giúp bạn nhìn rõ chính mình. Câu chữ viết xuống như một lời nhắc lại, hệ thống lại, chắt lọc thêm một lần nữa để những gì bạn viết ra thực sự là những gì đã ở lại trong tâm trí bạn cho tới thời điểm này.
Mình đã thực hành #viếtchânthực (tức là viết đúng với cảm xúc & suy nghĩ của bản thân) cũng được một chặng đường khá dài. Nhưng mình cũng nhận ra, sự chân thực vẫn có thể... chân thực hơn thế nữa. Tinh giản những suy nghĩ tầng tầng lớp lớp, tinh giản những cung bậc cảm xúc, và nỗ lực gọi ra một cái tên. Chỉ một cái tên thôi, thật là đơn sơ, thật là mộc mạc. Như mùi cỏ thơm trên bãi cỏ còn ướt sương đêm. Như mùi cơm chín ban chiều. Như ánh nắng gay gắt giữa trưa Hè dễ làm người ta phát quạu.
Cứ để nguyên mọi thứ như vậy.