Hóa ra, có một cây chanh nhỏ vẫn đang cần mẫn ra hoa ở góc vườn
Cây cối đến thời điểm cũng cần cắt lá tỉa cành để dồn dưỡng chất cho mầm sống mới. Mình tạm dừng viết để lận lưng thêm vốn sống, chắt chiu chút trải nghiệm để một ngày nào đó sẽ viết trở lại...
Mình đã bỏ viết một thời gian khá lâu so với một người từng sống bằng nghề viết. Lúc đó chỉ nghĩ đơn giản rằng ai hay công việc gì cũng cần có thời gian để nghỉ. Đến đất đai cũng cần được nghỉ ngơi để hồi sinh sau vài vụ mùa được tận dụng triệt để. Cây cối đến thời điểm cũng cần cắt lá tỉa cành để dồn dưỡng chất cho mầm sống mới. Thì mình cũng vậy thôi. Mình tạm dừng viết để lận lưng thêm vốn sống, chắt chiu chút trải nghiệm để một ngày nào đó sẽ viết-trở-lại.
Và mình không nghĩ là “ngày nào đó” sẽ tới sau tận vài năm. Tận vài năm!
Cảm hứng viết lách ùa về từng chút một, khi mình bắt đầu nhớ nghề. Khi chat với M. và nói về những dự án viết sách. Khi xem lại những cuốn sách và bài viết cũ. Khi mở lại file lưu bản thảo đang được viết dở dang từ vài năm trước... Và rất nhanh, mình đã kịp khoác cho bản thảo cũ một tấm áo mới. Câu chữ đến ầm ào. Như một cơn mưa rào đầu mùa sau cả một thời gian dài nắng hạn. Bản thảo dang dở đã được gửi đi.
Và mình cũng không chờ nó thành hình rồi mới bắt đầu dự án khác. Để việc viết lách trở thành một thói quen hơn là một công việc tùy hứng, mình sẽ không nghỉ ngơi nữa. Mình sẽ viết tiếp, viết hoài.
Cứ đinh ninh rằng mình đã bớt mê viết lách rồi, hoặc là thấy đủ rồi, hoặc là thấy chán rồi. Nhưng không phải. Dù bị mình bỏ bê và chẳng hề chăm bẵm, cây chanh nhỏ vẫn cần mẫn ra hoa ở góc vườn, chỉ chờ ngày mình bước ngang qua và nhận ra những nụ hoa trắng xinh vừa hé nở.
Tạm dừng một chút, và thế là bỗng thành “bao lâu”
Nhiều khi chỉ có ý định dừng viết vài ngày, ngờ đâu lại thành vài tháng, rồi thấm thoắt đã thành vài năm. Hãy cứ viết như một dòng chảy. Liên tục. Không ngừng
Cứ là một dòng chảy nhẹ nhàng và bền bỉ.
Để nuôi dưỡng cảm xúc và trí tưởng tượng ngày một phong phú, mỗi khi viết, cứ cho phép mình là một kẻ mê phiêu du.
Tại sao bạn lại e ngại trong việc chia sẻ một (vài) câu chuyện của chính mình?
Vì thấy nó không đủ hay/thú vị/li kỳ/sâu sắc...?
Vì thấy bản thân mình đã là ai đâu nào: chẳng phải chủ tịch, CEO, celeb hay KOL...? Mình phải là ai đã, rồi câu chuyện của mình mới có độc giả chứ!
Nhưng nếu bạn không kì vọng về một “hiệu ứng” từ phía người đọc, cũng không áp lực về việc cần phải thỏa mãn mong muốn của bất kì ai, thì bạn hoàn toàn có thể bắt đầu chia sẻ câu chuyện của bản thân. Người viết là bạn. Độc giả đầu tiên của bạn cũng chính là bạn. Viết ra như một cách bạn ngồi lại và đối thoại với chính mình.
Với cá nhân mình, cuộc đối thoại này cũng cần rất nhiều sự can đảm. Rũ bỏ lớp áo bên ngoài để ngồi lại đối diện với những gì mình đã/đang trải qua bằng suy nghĩ & cảm xúc mộc mạc nhất cũng cần đủ thời gian để đưa ra quyết định sau cùng.
Muốn viết, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu cả
Khi em nói em muốn viết về nghề, mình hỏi gia tài em có những gì, em liệt kê... Mình thấy gia tài của em đã kha khá rồi đó. Dư sức để viết rồi.
Nhưng có lẽ em còn e ngại, muốn sống thêm với nghề hoặc chưa biết nên bắt đầu từ đâu...
Mình chỉ thầm nghĩ, em cứ bắt đầu viết đi. Dữ liệu về công việc mỗi ngày dồn lại, những trải nghiệm thực tế của chính em... tích tụ theo tháng năm chẳng khác gì những file nén. Nếu không giải nén dần, để lâu rồi thành ra em sẽ ngại, muốn giữ lại cho bản thân thay vì chia sẻ nó với người khác.
Vậy việc “giải nén file” có thể bắt đầu từ đâu?
- Có thể bắt đầu từ ngày đầu tiên em chập chững bước vào nghề. Cứ dành một khoảng không yên lặng vào cuối mỗi ngày, lặng lẽ quay trở về quá khứ để gặp gỡ chính mình, trò chuyện với chính mình ngày đó, và viết thôi.
Phải viết rồi, em mới tìm thấy điểm bắt đầu. Có điểm bắt đầu rồi, đường đi sẽ dần hiện rõ...
Mình hoàn toàn có thể yêu quý một ai đó qua câu chữ mà họ chia sẻ dù chưa từng gặp mặt
Nếu theo dõi một ai đó thường xuyên qua những gì mà họ viết, mình có thể cảm nhận được dòng chảy của suy nghĩ và cảm xúc, một vài nét tính cách và khí chất của họ phảng phất đâu đó.
Dù chỉ là một vài dấu chân để lại, người yêu câu chữ và không ngại ngần bộc lộ một phần con người thật của mình sẽ kết nối được với người đọc theo cách mà họ muốn.
Khả năng gắn kết của câu chữ thật diệu kỳ dù chẳng cần viện tới ngôn từ hoa mĩ.
Trăn trở về câu chữ của mình
Thi thoảng, đọc lại những gì mình viết, thấy cũng hay hay. Tự hỏi tại sao lúc đó lại có thể viết hay đến như vậy.
Thi thoảng, cũng lại thấy nó dấm dớ sến sẩm, và lại cũng tự hỏi điều gì từng xảy đến đã khiến mình dấm dớ và sến sẩm đến như vậy.
Sự thay đổi về mặt nhận thức & cảm xúc sẽ dẫn đến sự biến chuyển trong câu chữ. Hiện tại có thể phủ nhận quá khứ, chối bỏ hoặc tán dương quá khứ, nhưng sau cùng vẫn là chính mình trong cả một lộ trình trưởng thành đó thôi.
Sự trăn trở này cũng là điều hợp lý.
Câu chữ giúp người viết “gặp lại” chính mình
Đọc lại những gì mình đã viết cách đây nhiều năm cũng có nhiều cảm xúc thú vị như khi mình xem lại một tấm ảnh cũ, đi ngang qua một con đường cũ, vào uống cà phê ở một cửa tiệm quen cũ, gặp lại một người cũ.
Nên cứ chăm chỉ viết và lưu giữ những gì mình viết, để nhiều năm sau đọc lại và nhận ra mình đã khác xưa thế nào, tại sao ngày đó lại viết như vậy, sự đổi thay khiến mình có cảm xúc gì?... Một cuộc “gặp gỡ” trong thinh lặng với chính mình của ngày cũ, cũng có giá trị đặc biệt như một điểm dừng hay điểm giao quan trọng giữa quá khứ với hiện tại.
Dừng lại một chút để soi lại chính mình, và vui vẻ bước tiếp, thế thôi!
Nạp thêm “chất liệu sống”, bằng cách nào?
Ngoài trải nghiệm sống, kĩ năng lắng nghe cũng là một trong những yếu tố giúp cảm xúc lẫn chất liệu cuộc sống trong từng câu chữ của người viết trở nên sâu sắc và thực tế hơn.
Thế nên, mỗi khi cảm thấy bế tắc về mặt ý tưởng, hay cần được thư giãn, mình luôn bắt đầu bằng việc hẹn gặp một ai đó mà mình muốn trò chuyện.
Những kết nối offline đủ sâu sẽ khiến bản thân vừa được nạp thêm năng lượng & vừa như được “làm mới”.
Câu chữ tựa một tấm gương phản chiếu sự trưởng thành của chính bạn
Thời gian cùng với trải nghiệm là hai yếu tố quan trọng giúp kĩ năng viết của bạn ngày càng trưởng thành hơn, câu chữ có chiều sâu hơn, cảm xúc mộc mạc và chân thực hơn, tâm hồn tự do hơn.
Như một người đã trưởng thành chọn đi trong mưa và tận hưởng từng giọt mưa một cách hân hoan và tự do, tựa một đứa trẻ.
Viết lách – một thói quen lành mạnh
Viết lách vào những lúc rảnh rỗi hay bất cứ khi nào “thèm viết” cũng là một thói quen tốt như việc ăn uống lành mạnh mỗi ngày vậy. Một khi cơ thể hay tâm trí đã kết nối và thích nghi với những thói quen tốt rồi, chúng mình không cần quá nhiều nỗ lực để “chạy theo” chúng nữa.
Duy trì một thói quen tốt mỗi ngày cũng giống như việc bạn tiện tay thảy vài hạt giống xuống dưới lớp đất. Một thời gian sau nhìn lại, khoảnh đất sẽ trông tràn đầy sức sống bởi những chồi non be bé đang cần mẫn vươn lên.
Gieo một thói quen tốt thoạt nghĩ có vẻ “không đáng kể” nhưng kiên trì theo thời gian, sự đổi thay theo chiều hướng tích cực sẽ luôn là một món quà xứng đáng dành cho bạn.
Viết linh hoạt
Ở bất cứ không gian nào, bạn cũng có thể viết trong sổ tay hay note nhanh trên điện thoại vài dòng:
- Ghi chú về những việc cần làm trong ngày
- Tóm lấy vài ý tưởng vụt lóe lên trong đầu trước khi chúng biến mất
- Ghi lại cảm xúc & suy nghĩ của bạn, để sau này nhìn lại, bạn sẽ cảm thấy trân trọng hơn
- Những dự định khả thi trong công việc
- …
Để có thể ngồi viết một cách thư thả, trước đó, mình thường
- Dọn dẹp lại không gian sống
- Xóa bớt thư rác trong gmail
- Pha một ly nước chanh ấm hoặc cafe sữa
- Lật vài trang sách để tìm một "thông điệp" ngẫu nhiên nào đó
- Nhâm nhi một chút bánh ngọt
Và sửa soạn một chiếc tâm hồn bình yên
Thế giới trong trí tưởng tượng là một điều kì diệu
Thế giới trong trí tưởng tượng càng rộng lớn, càng đa màu sắc, càng nhiều cảm xúc giúp làm dịu tâm trí hoặc đem lại cảm giác “phiêu lưu”... thì càng có khả năng giúp câu chữ “thăng hoa” hơn.
Lang thang cùng với câu chữ
Thi thoảng hãy thử để cảm xúc “dẫn đường”, viết ra bất kì điều gì vụt lóe lên trong đầu, viết tự nhiên và ít trăn trở. Không cần khoác lên câu chữ quá nhiều lớp áo. Cũng đừng sợ cảm xúc lẫn câu chữ dẫn mình đi quá xa.
Bạn sẽ nhận ra, lang thang đó đây cùng với câu chữ là một chuyến dạo chơi thú vị.
Sự quyến rũ của câu chữ
Khi bạn sống với nghề viết đủ lâu, trải nghiệm đa dạng phong cách viết, tìm cho mình được phong cách viết phù hợp & gần gũi với con người của bạn... thì mỗi lần ngồi lại và viết một điều gì đó, cảm giác hạnh phúc sẽ tràn về.
Như thể bạn đang ngồi hàn huyên với một người bạn tri kỉ.
Trải nghiệm & sự chân thành
Sẽ quan trọng hơn mọi kĩ năng viết.
Trải nghiệm đủ nhiều, đủ sâu, đủ phong phú, thêm cả sự mộc mạc và chân thành nữa thì câu chữ sẽ chạm được tới trái tim của độc giả một cách rất tự nhiên.
Nếu trải nghiệm chưa đủ, lại thích dùng ngôn từ sáo rỗng hoặc kiểu cách, thêm cả việc quá coi trọng/lạm dụng các kĩ năng... thì câu chữ dễ trở nên xa cách.
Trái ngọt tự nhiên, cứ ăn là sẽ tự cảm nhận được. Không cần phải quảng cáo quá nhiều.
Thi thoảng mình cũng chán viết
Viết liên tục trong suốt một thời gian dài thì cũng có lúc phải cảm thấy chán nản và muốn nghỉ ngơi. Cảm xúc đó cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Có khi mình chọn tạm dừng viết và nghỉ ngơi.
Cũng có khi mình cứ ngồi lại và... viết tiếp. Câu chuyện và nhân vật lại tiếp tục truyền cảm hứng cho mình.
Người viết và những câu chữ của mình dường như luôn có một sợi dây gắn kết vô hình, nếu bản thân thực sự yêu nghề viết.
Sự điềm tĩnh
Sẽ giúp người viết cảm thấy bình thản hơn khi ngồi xuống và viết bất cứ điều gì.
Từng câu chữ nhẹ nhàng & trầm ổn như giọng kể chuyện của một bậc lão niên, hay mát lành & dễ chịu như khi bạn đứng dưới bóng râm của một tán cây cổ thụ.
Cảm xúc & câu chữ cũng cần có thời gian để trở nên điềm đạm, thong thả. Người viết cũng cần có thời gian để câu chữ đạt tới độ chín, để có thể bước đi chậm lại trong cả sự yên ổn lẫn hân hoan.
Tính kỉ luật của người viết
Với một người đã & đang sống bằng nghề viết, thì việc ép bản thân vào khuôn khổ (dễ thở hay “khó thở”) cũng tựa như một… khóa tu.
Không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ hay bản thân cũng vui vẻ hợp tác với khuôn khổ đã đặt ra từ trước đó.
Không phải ngày nào cũng tràn đầy cảm hứng viết.
Không phải ngày nào cũng yêu nghề.
Viết lách không phải là công việc duy nhất nên có thể thay đổi thời gian đầu tư cho việc viết một cách linh động.
Nhưng nếu buông thả bản thân, nếu cho phép bản thân lười biếng vài ngày, rồi một tuần, rồi vài tuần… thì sự lười biếng sẽ nán lại lâu hơn, từ một vị khách không mời trở thành vị khách thân thiết, rồi thành “người nhà” lúc nào không hay.
Nếu cảm thấy bản thân uể oải, có thể dừng viết trong một thời gian nhất định, tùy theo nhu cầu của bản thân ở thời điểm ấy:
- Dừng viết trong một khoảng thời gian dài để tập trung học hay làm một công việc khác
- Dừng viết tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn để thư giãn, nghỉ ngơi
Việc tạm dừng viết có-kế-hoạch sẽ khác với việc dừng viết và bị mất phương hướng.
Cảm hứng và không gian riêng
Dù không muốn bao biện cho việc thức khuya, nhưng mình cũng không thể phủ nhận vài điều, rằng:
- Đọc sách vào ban đêm, trong không gian tĩnh mịch, từng câu từng chữ sao mà thấm thía
- Viết lách vào ban đêm, khi trong lòng không còn vướng bận chuyện này chuyện kia, tự cho phép bản thân không-là-ai-cả, từng câu từng chữ viết ra mới thật là chính mình
Cảm giác được “đối thoại” với chính mình trong một không gian riêng tư gần như tuyệt đối luôn có một hấp lực khó cưỡng. Cũng rất khó để có thể diễn tả hết cảm giác được hiện diện trọn vẹn với chính mình vào khoảnh khắc khi ngày cũ sắp tàn và ngày mới sắp sang.
“Cài đặt” thời gian để #viết_mỗi_ngày
Dọn dẹp một góc bàn thật ngăn nắp
Mở laptop
Mở nhạc nhẹ hoặc chuẩn bị một không gian yên tĩnh
Chuẩn bị sẵn một cuốn sổ nhỏ & một cây viết để có thể ghi chép nhanh bất cứ ý tưởng nào chợt lóe lên trong đầu (hoặc chỉ đơn giản là note lại những việc bạn cần làm trong ngày)
Chuẩn bị một ly nước để “tận hưởng” khoảnh khắc này
Từng việc nhỏ nhặt sẽ giống như một lời nhắc: Nào, chuẩn bị viết thôi! Sắp tới giờ rồi!