Căn phòng không có ô cửa sổ
Thanh xuân của mình không rực rỡ. Nhưng những tháng năm chọn đóng kín cửa để lầm lũi trui rèn sự kiên trì đã giúp mình nhận ra: Không bỏ cuộc cũng là một thành tựu đáng kể rồi...
Thời thanh xuân của mình giống như một căn phòng không có ô cửa sổ. Căn phòng ấy chỉ có những kẽ hở be bé đủ để chút nắng chút gió ghé thăm.
Thời còn học phổ thông, mình là một cô nhóc lầm lũi, ít nói và tự ti vô cùng. Mình không có nhiều bạn, sáng tối chỉ biết chúi mũi học bài rồi lên thư viện đọc sách. Mỗi ngày trôi qua đơn điệu với đống bài tập về nhà, các bài kiểm tra, lịch thi và câu đe nẹt của bố: “Học không xong thì khỏi thi Đại học”.
Bố mình từng đi bộ đội. Bố kĩ tính, coi trọng việc học và rất hà khắc trong cách giáo dục con gái. Bố từng bảo mình: “Con phải học giỏi Nhất lớp, không được giỏi Nhì. Giỏi Nhì tức là thua một người, mà thua một người thì cũng coi như thất bại!”.
Bài kiểm tra Toán bị điểm 2 năm lớp Bốn với mình không phải là một lần làm tính sai, mà là một nỗi nhục. Mình còn nhớ, lúc nhận bài, hai tai mình đỏ ửng lên, hai má thì nóng bừng và mình cứ thế gục mặt lên bàn mà khóc. Mình khóc vì sợ bố mắng, vì sợ mang tiếng học dốt và vì chưa bài kiểm tra nào của mình bị điểm 2 cả. Sau đó là rất nhiều nỗ lực để mình vươn lên top đầu. Những khi bài kiểm tra được điểm cao, thay vì vui mừng thì mình cố gắng kìm nén cảm xúc và cho rằng đó là điều bình thường mình cần phải làm. Đừng kiêu ngạo!
Chuyện bố mẹ kỳ vọng và tự hào về con cái thì có gì sai? Như bố mình, ông nâng niu từng tấm bằng khen của con gái, cẩn trọng lồng khung kiếng rồi treo khắp nhà. Để mỗi khi có khách đến chơi, bố mình lại có dịp khoe rằng con gái ông đã đạt danh hiệu này, danh hiệu kia xuất sắc thế nào. Với bố, những tấm bằng khen của mình khi ấy còn có giá trị hơn cả chục cây vàng. Bố tin rằng mình cũng thấy vui vì những thành tích đó. Có lẽ bố chưa bao giờ biết rằng mỗi ngày đến lớp là mỗi ngày mình phải đối diện với rất nhiều nỗi sợ: Sợ không kịp hiểu bài, sợ có một bạn nào đó trong lớp học giỏi hơn, sợ mình không được ghi tên lên góc trái bảng - vị trí để vinh danh những bạn có thành tích học tập xuất sắc nhất trong tháng.
Những năm tháng ôn thi trong đội tuyển thi học sinh giỏi Văn của trường có lẽ là khoảng thời gian mình thấy hạnh phúc nhất. Mình đi thi và đem nhiều giải thưởng về cho nhà trường. Với mình mà nói, ngoài những tấm bằng khen ấy ra, mình cảm thấy bản thân chẳng có gì đáng để chia sẻ cả. Và mình đã nghĩ, việc đắm chìm vào những cuộc thi chính là cách duy nhất để gầy dựng giá trị riêng của cho những tháng năm tuổi trẻ của mình.
Nhưng mọi thứ chẳng hề suôn sẻ như mình nghĩ.
Mùa Hè năm mình biết tin mình thi rớt Đại học lần thứ nhất là một mùa Hè kinh hoàng. Mình hay tỉnh dậy giữa đêm và khóc. Mình sợ nhà có khách, vì thể nào họ cũng hỏi mình có đậu Đại học không. Mình sợ gặp hàng xóm, họ hàng, bạn bè, vì thế nào mọi người cũng lại chặc lưỡi tiếc rẻ: “Ôi, thi rớt Đại học à? Khổ thân, học giỏi thế mà rớt!”. Có một lần, mình đã lặng lẽ ghi lên trang cuối cuốn tập ôn thi dòng chữ: “Giá mà mình có thể chết đi”.
Năm mình thi rớt Đại học lần hai, một cô bạn thi cùng đợt với mình nhảy xuống sông tự tử. Trong bức thư để lại cho gia đình, bạn ấy viết, bạn ấy xấu hổ vì tự cảm thấy mình bất tài. Năm đó, bạn mình chỉ vừa đủ điểm để xét tuyển Nguyện vọng 2, chỉ vậy thôi, mà bạn ấy đã tìm đến cái chết. Lúc ấy, mình bỗng sợ chết hơn là sợ thi rớt Đại học. Mình cần phải sống khỏe mạnh và vui vẻ trước đã, chuyện đậu rớt hãy để sau. Cũng vào thời điểm đó, mẹ và chị gái đã luôn động viên mình “Thi rớt thì năm sau thi lại, có sao đâu”. Bố thì giữ im lặng và tuyệt nhiên không nhắc gì tới chuyện thi cử. Mình hiểu rằng bố đang nỗ lực để mình được yên.
Và mình đã làm gì để có thể sống sót qua chuỗi ngày thê thảm đó? Mình viết truyện cười gửi cho báo Hoa Học Trò, một tờ báo tuổi teen mình rất yêu thích. Việc ép mình phải nghĩ ra và viết những câu chuyện hài hước mỗi ngày cũng là một cách mình tự cứu lấy mình, khiến cuộc sống của mình dần trở nên tươi sáng hơn.
Mình còn nhớ vào những dịp họp lớp với bạn bè học cấp ba, khi bạn bè háo hức trở về nhà và kể về giảng đường đại học lẫn những điều thú vị trong cuộc sống mới thì mình cũng có chút tự hào nho nhỏ vì có nhiều truyện cười đăng báo. Dù chỉ là mấy mẩu truyện vỏn vẹn có vài dòng, nhưng ở thời điểm đó, không phải ai cũng có vinh dự được đăng bài trên tờ báo nổi tiếng nhất của thế hệ học trò mới. Một thành quả dù là nhỏ bé với người này nhưng lại có thể trở thành chiếc phao cứu sinh với người khác vào thời điểm họ đã từng thất bại.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, mình muốn một lần nữa được gửi lời cảm ơn tới tờ báo mà mình đã gắn bó suốt thời thanh xuân. Chuyên mục dành cho “Lớp 13” có lẽ là chuyên mục “độc nhất vô nhị” mà chỉ riêng Hoa Học Trò mới có. Ở đó, tụi mình, những học sinh của “lớp 13” luôn được động viên và trân trọng. Tụi mình không bị nhìn nhận như những kẻ-thất-bại. Tụi mình chỉ tạm thời đi chậm hơn các bạn cùng trang lứa một đoạn đường.
Trên chuyến tàu Hà Nội – Sài Gòn vào mùa thi năm 2002, có một cô nhỏ ngồi ôm tài liệu nhẩm học suốt cả chặng đường dài. Mình chọn Sài Gòn là nơi bắt đầu vì mình tin rằng ở đây mọi thứ sẽ dễ dàng với mình hơn, và nếu chẳng may lại thi rớt thêm một lần nữa thì mình sẽ chọn một hướng đi mới. Ở một nơi xa lạ và không có người thân, thì sợ gì ai phán xét? Năm đó, mình đã thi đậu vào khoa Báo chí Truyền thông với điểm số cao nhất ban C. Bây giờ nghĩ lại, mình mới nhận ra hai năm thi rớt Đại học không có gì phải tiếc nuối cả. Vì sau cùng mình đã kịp tìm hiểu và lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân.
Tốt nghiệp khoa Báo chí, mình đầu quân vào tòa soạn báo Hoa Học Trò và làm việc với vai trò là biên tập viên trong suốt hơn 10 năm. Bạn bè ai cũng nói rằng mình có duyên với báo, chỉ mình mới thấm thía rằng một chữ “duyên” thôi cũng đã phải đánh đổi bằng rất nhiều nỗ lực rồi.
Nhìn lại cả một chặng đường, chuyện thi đậu – thi rớt giống như những cột mốc mà ở đó mình tự học cách để trưởng thành lên từng ngày. Thanh xuân của mình không rực rỡ. Mình không có nhiều kỉ niệm với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng những tháng năm chọn đóng kín cửa để lầm lũi trui rèn sự kiên trì đã giúp mình nhận ra: Không bỏ cuộc cũng đã là một thành tựu đáng kể rồi.
Thanh xuân có thể đẹp như một đóa hoa vừa bung nở rực rỡ và cũng có thể đẹp giản dị như một chiếc lá vừa tỉnh giấc sau cơn mưa đêm.
Gửi tuổi 20: Một cô gái tự tin có thể không phải là một cô gái luôn giành chiến thắng
Có thể cô gái ấy đã từng chán ghét bản thân, đã từng ao ước được trở thành một ai đó khác, đã từng thấy mình kém may mắn, đã từng thấy cuộc đời thật bất công, đã từng nhiều lần thất bại.
Nhưng rồi cô gái ấy nhận ra những lát cắt sáng lấp lánh khác của chính mình và từng ngày kiên trì vun đắp cho nó. Chấp nhận mình không hoàn hảo. Nỗ lực bù đắp cho những điểm trừ bằng những điểm cộng. Để tới một ngày, khi nhìn thấy mình trong gương, cô gái cảm thấy yêu và trân trọng ngay cả những lát cắt kém sáng của chính mình.
Một vài điều gì đó tuy không hoàn hảo nhưng nó là của mình, nếu thiếu nó, chắc gì mình đã trọn vẹn hơn?