Bởi vì ngày mai là một ngày rất khác
Người ta dễ bị bỏ lại phía sau không phải bởi thời gian hay nhịp chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, mà có lẽ bởi sự trì trệ từ sâu bên trong của chính mình...
Một lời từ chối liệu có phải là một biểu hiện của một sự thất bại không?
Có thể là một lời từ chối trong công việc, một lời từ chối trong chuyện tình cảm, một lời từ chối kết giao từ một nhóm bạn… Có thể là bất cứ lời từ chối nào. Một cái lắc đầu, một cái xua tay, một câu nói “Không”, hay là sự im lặng…
Một lời từ chối đôi khi không phải lúc nào cũng là một điều gì đó tồi tệ. Đó có thể là một lời nhắc để bạn tạm lui về, tiếp tục hoàn thiện “sản phẩm” của mình và sẵn sàng cho một cơ hội mới phù hợp hơn hoặc một dịp khác để bạn xuất hiện với giao diện ổn áp hơn. Bạn có dịp nhìn lại và hiểu mình, nhận diện tốt về một sự kết nối vào đúng thời điểm Không phải lần chào sân nào cũng là oneshot (*), một phát ăn ngay. Cứ đón nhận những lời từ chối với một tâm thế sẵn sàng như khi đón một cơn mưa đầu mùa. Mùa mưa năm nào chẳng có!
Một lời từ chối đôi khi cũng là một tín hiệu tốt, dự báo giúp bạn một sự kết nối không phù hợp, để bạn tránh lãng phí tâm sức lẫn thời gian, tránh được cả những tổn thương cùng rất nhiều vết xước trong tim, ừ thì – biết đâu đấy. Một lời từ chối lúc này cũng có thể cũng mang ý nghĩa như một lời nhắc của mẹ khi thấy bạn hăm hở lao ra ngoài đường vào lúc bầu trời đang nổi cơn giông: “Nguy hiểm đấy! Hãy nán lại trong nhà!”.
Rõ ràng, một lời từ chối, xoay ở góc nhìn khác thực tế và (cũng có thể là) tích cực hơn, nó như một lời nhắc, một lời dự báo, một biển hiệu báo “Dừng” để đảm bảo sự an toàn cho chính bạn. Nói vui một chút, thì một lời từ chối cũng có ý nghĩa như một lời-chỉ-dẫn:
“Con đường này hiện đang trong quá trình tu sửa, bạn có thể quay lại vào tuần sau với một chiếc xe “dã chiến” hơn”
“Con đường này sẽ không đưa bạn tới nơi bạn cần tới”
“Con đường này rất gập ghềnh và có thể nguy hiểm với tính mạng”
“Con đường này thực chất là một con đường cụt, phía cuối là vực thẳm/bờ biển/chân núi. Vui lòng quay lại!”
Khi bạn từng đôi lần bị từ chối bởi một vài nhóm người, cảm giác bị bỏ rơi hay cô đơn sẽ tới, cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng, đôi khi, cũng nhờ những tháng năm từng bị cô lập bởi một nhóm người nào đó mà bạn học được cách sống vui vẻ một mình, nỗ lực một mình, yên ổn một mình...
Để rồi sau đó, bất cứ ai muốn bước chân vào cuộc sống của bạn cũng cần vượt qua một vài thử thách về sự chân thành, sự hiểu đủ và sự vô tư - không mưu cầu quá nhiều toan tính về lợi ích cá nhân. Bởi vì, có thêm niềm vui thì được, thêm sự rắc rối thì thôi. Điều này hoàn toàn hợp lý cho mọi con đường, mọi sự kết nối, mọi lựa chọn.
(*): Một hình thức quay phim đặc biệt mà trong đó toàn bộ câu chuyện được nắm bắt bằng một cú máy duy nhất
Sự tiếc nuối về những kế hoạch dở dang trong phiên bản cũ
Là một vài gạch đầu dòng bạn làm chưa xong hoặc thậm chí còn chưa đụng tới. Là một chuyến đi năm lần bảy lượt lên kế hoạch rồi lại bỏ đó. Là một bản thảo sách bạn mới viết được vài dòng. Là một khóa học được “bảo lưu” vô thời hạn. Là khu vườn cỏ mọc um tùm vì cả năm qua bạn chưa từng bước chân ra dọn dẹp… Có thể là bất cứ điều gì còn dang dở, hoặc bị lãng quên.
Nghĩ về nó, bạn thấy sao? Tiếc chứ!
Giá mà mình quyết tâm làm cho xong, nỗ lực mỗi ngày một chút, mỗi tuần một chút, mỗi tháng một chút… thì đến một thời điểm nào đó, kiểu gì cũng hoàn thành xong cả một bản kế hoạch dài, hoặc tệ lắm thì cũng dứt điểm vài cái gạch đầu dòng be bé.
Làm-cho-xong-một-việc, thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng cũng khó thực hiện vô cùng.
Mình chơi thân với một cô em làm biên kịch khá xịn sò, gia tài phim truyền hình & phim chiếu rạp cũng kha khá. Trong một lần trò chuyện, em có chia sẻ với mình rằng, dù làm bất cứ việc gì, em cũng đều ráng làm-cho-xong. Làm-cho-xong ở đây không phải là làm ủi xùi cho xong, làm qua loa cho xong mà là nhất định phải làm xong việc đó.
Làm cho xong một việc rồi, sẽ tiến tới “xử lý” việc thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5.... Và cứ thế. Bản thân mình không bị ì ạch, trì trệ. Công việc không bị trì hoãn rồi xếp chồng lên nhau, đến một ngày nhìn lại list công việc chồng chéo và còn dang dở tự thấy stress ngang. Và có những việc nếu mình không làm-cho-xong thì vài năm sau, nó vẫn còn dang dở.
Hôm bữa mình có đọc được vài dòng khá hay trên Tik Tok, trong đó có một câu đại ý nói rằng: Bạn mệt không hẳn vì bạn đã làm nhiều, mà là vì bạn LÀM CHƯA TỚI. Tức là làm chưa hết sức mình, chưa bung xõa, chưa dồn hết năng lực vô công việc. Làm hời hợt cũng khiến bản thân cảm thấy uể oải vậy.
Mình không phải là leader hay mentor. Với yoga và khóa rèn viết, mình luôn đặt bản thân vào vai trò người-đồng-hành. Mình không có nhiều áp lực với một tập thể hay bất cứ cá nhân nào. Vì là freelancer nên đầu việc hay deadline cũng là do tự mình quyết định. Chỉ là, mình cũng học cách chia nhỏ công việc và nỗ lực hoàn thành nó trong khả năng. Ngày khỏe cũng như ngày mệt. Ngày bận rộn cũng như ngày thảnh thơi. Vẫn phải làm-cho-xong một vài gạch đầu dòng nho nhỏ.
Bởi mình nghĩ rằng, công việc hay nguồn năng lượng của mình cần có sự sắp đặt phù hợp, nó xếp kế nhau như những quân bài Domino. Cái này chuyển động thì cái kia cũng chuyển động. Cảm thấy “mắc kẹt” ở đâu thì tìm cách xử lý liền ở đó. Đừng để “mắc kẹt” quá lâu!
Thêm nữa, cảm giác mình đã hoàn thành xong một công việc dù là be bé, hay chỉ đơn giản là đã hoàn thành xong một cái gạch-đầu-dòng nhỏ xíu trong cả một kế hoạch dài, cảm giác hạnh phúc lắm. Bởi vì thời gian trôi qua rất nhanh.
Người ta dễ bị bỏ lại phía sau không phải bởi thời gian hay nhịp chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, mà bởi sự trì trệ từ sâu bên trong của chính bản thân mình.
“Ngắt kết nối với thế giới để kết nối với chính mình” là một trào lưu hay là một mong cầu thiết thực?
Hiểu như thế nào cũng còn do góc nhìn của mỗi người ở từng thời điểm.
Với cá nhân mình, có thể hiểu một cách thoải mái và giản đơn, là mình chọn chú tâm vào nhu cầu lẫn sở thích của mình nhiều hơn là đắn đo về 1001 điều ràng buộc khác tới từ bên ngoài. Như là sự ủng hộ hay phản bác từ người khác; sự ghi nhận hay phủ nhận từ một vài đám đông; là đạt chuẩn hay chệch chuẩn trong thang đo giá trị chung của xã hội (hoặc mạng xã hội ^^)…?
Chọn lắng nghe và ưu tiên những mong cầu thực tế của bản thân cũng cần rất nhiều can đảm. Bởi vì, bạn cần chuẩn bị sẵn tinh thần và tâm thế khi đón nhận những luồng ý kiến/phản ứng nhiều chiều tới từ tứ phía. Bạn sẽ cần nỗ lực để tìm về cảm giác bình an trong bối cảnh tự nhiên, khi mà bạn không thể kiểm soát được điều gì sẽ xảy đến từ bên ngoài.
Thêm nữa, không có điều gì là tuyệt đối trong việc lựa chọn “kết nối” hay “ngắt kết nối” cả.
Khi mà bạn vẫn có thể vừa tận hưởng chuyến rong chơi, vừa làm việc, vừa kết nối với gia đình hay bạn bè. Nhưng sẽ ưu tiên nhu cầu riêng và sở thích của bản thân nhiều hơn, theo tỉ lệ nào bạn cho là hợp lý.
Khi mà bạn vẫn có thể vừa thoát vai và vừa làm tròn vai trò của mình bởi vì sự trọn vẹn hay không đều mang tính thời điểm và có thể linh hoạt được.
Mình không có quá nhiều yêu cầu về sự “ngắt kết nối” để thu mình vào không gian riêng. Chỉ cần được ở một mình, ngủ nhiều một chút, nghe nhạc nhiều một chút và viết nhiều hơn thường ngày một chút.
Mình cũng không có nhu cầu về một chuyến nghỉ dưỡng xa xỉ dài ngày. Chỉ cần vài ngày tung tăng và hít hà hơi sương lành lạnh của Đà Lạt, thong thả đi dạo trên những con phố để ngắm hoa và nghe tiếng thông reo, trong lòng không có nhiều vướng bận... là mình đã cảm thấy rất hạnh phúc rồi. Mình đã tới Đà Lạt không biết bao nhiêu lần rồi, từ khi còn là cô sinh viên mới ra trường cho tới khi trở thành một phụ nữ tuổi trung niên. Mình vẫn có cảm giác mới mẻ mỗi khi tới đây, vẫn thấy Đà Lạt đẹp vô cùng dù trong ngày mưa hay ngày nắng. Vẫn thấy sự tươi trẻ của mình không bị bào mòn theo thời gian, khi mình nhún nhảy bước đi trên những con dốc với một vài bản nhạc yêu thích
Và mình cũng nhận ra, không cần phải thật trẻ, thật giàu có hay thật rảnh rỗi, tụi mình vẫn có thể tận dụng được chút thời gian lẫn không gian để quay về sống trọn vẹn với chính mình, tận hưởng những khoảnh khắc cho phép bản thân được KHÔNG LÀ AI CẢ, dù chỉ là một vài thời khắc.
Vài dòng tin nhắn xin gửi tới bạn:
“Khi một người nói với bạn là lẽ ra bạn có thể như thế này, lẽ ra bạn có thể như thế khác... mà bạn vẫn vui vẻ hoặc điềm tĩnh không chút gợn sóng hay nổi cơn gió giông, có thể là bởi vì lời nói của ai kia không đủ giá trị, hoặc bạn tự hiểu chính mình. Hoặc là cả hai, đều đúng!”
“Khoảnh khắc bạn tìm thấy mình, cũng là khoảnh khắc bạn nhận ra những kết nối phù hợp & không phù hợp một cách rõ ràng hơn. Khi bạn chọn ở lại hay bước ra, bạn cũng thấm thía về cái giá mà bạn phải trả. Cũng đắt đấy!”
“Thực ra chẳng có thời gian nào tụi mình phải “xé nháp” cả. Kiểu gì cũng có vài thứ được lưu giữ lại. Làm gì có ai “ở không”, chỉ ngồi hít thở và nỗ lực sống vui qua từng ngày thôi cũng là một “thành tựu” đáng nể rồi. Bởi vì đã nỗ lực đi hết một chặng đường, tụi mình có thể cùng ngồi gói ghém lại vài cái gạch đầu dòng, tự thấy yên vui và cũng tự cho mình sến chút nhỉ?”