Ai cũng cảm thấy rất ổn trong thế giới riêng của mình...
... cho tới khi có một-ai-đó-khác xuất hiện
Ở tuổi 29, mình rất sợ kết hôn dù mình đã yêu và đám cưới sắp diễn ra trong vài tháng tới.
Một nỗi sợ chẳng hề vô căn cứ khi xung quanh mình là quá nhiều những cuộc hôn nhân không có hạnh phúc. Những gì mình từng nghe được từ cuộc hôn nhân của người khác là “nhà anh, nhà tôi”; là sự thiếu quan tâm, thiếu tôn trọng, thiếu sẻ chia; là ngoại tình; là bạo hành gia đình; là gian dối… Lên mạng thì nhan nhản các bài viết lẫn hội nhóm chia sẻ về những câu chuyện li thân, li hôn, chia con cái, chia tài sản, rồi đánh ghen… Cứ gặp 10 người đã có gia đình là có đến 8, 9 người khuyên mình rằng: “Ở vậy cho khỏe đi, kết hôn mà làm gì, cô gái!”
Nhưng mình đã 29 tuổi, sắp bước sang tuổi 30. Ở giai đoạn chuyển giao này, cả suy nghĩ lẫn tâm trạng có thật nhiều xáo động. Mình bắt đầu soi khuyết điểm của người yêu nhiều hơn, sự căng thẳng khiến cho tụi mình cãi nhau suốt. Trong một lần mâu thuẫn với nhau và mình chẳng nhớ rõ là vì chuyện gì, mình quyết định hủy hôn. Mình gọi điện cho mẹ và nói rằng mẹ hãy hủy hết thiệp mời đám cưới lẫn tiệc cưới. Mình chưa thực sự sẵn sàng tâm thế cho ngã rẽ mới này. Mối quan hệ giữa bọn mình không hề ổn. Tụi mình sống và làm việc xa gia đình. Và mình vẫn còn nhớ đó là đêm 30, mình lặng lẽ bỏ đi. Khi tìm thấy mình ngồi thu lu trong bóng tối, nước mắt nước mũi tèm lem, người yêu mình chỉ buồn buồn nói rằng: “Lúc nãy anh đi ngang qua chỗ tụi mình hay ngồi, có bao nhiêu cặp đôi hạnh phúc. Tại sao người ta lại hạnh phúc như thế, còn tụi mình cứ suốt ngày cãi nhau?”.
Mình tìm hiểu về “khủng hoảng tiền hôn nhân” và dần trấn tĩnh trở lại. Khi ta yêu một người, thứ duy nhất ràng buộc ta và người đó chỉ đơn thuần là tình cảm và sự trân trọng. Nhưng khi ta kết hôn với một người, thứ ràng buộc giữa ta và người đó đôi khi là cả thế giới. Mình sợ cảm giác bị ràng buộc, sợ mất tự do, sợ chọn sai, sợ hôn nhân không yên bình như mình kì vọng,… Sợ những gì đã xảy đến với những cuộc hôn nhân đầy nước mắt đăng tải nhan nhản trên mạng xã hội sẽ xảy đến với mình. Nhưng đến khi nhìn lại chàng trai đang hì hục vào bếp nấu ăn và chuẩn bị rất nhiều món để đón Giao Thừa cùng mình, nhớ lại rất nhiều những bữa ăn người ta nấu chỉ vì biết mình thích món ăn đó, cảm thấy ấm áp vì luôn được chăm sóc và quan tâm, mình dần bình tâm trở lại.
Và mình chọn kết hôn.
Hơn 10 năm hôn nhân không phải lúc nào mình cũng chỉ toàn thấy màu hồng, đôi khi có cả màu xanh, màu vàng, màu đen và màu xám. Nhưng tụi mình đã trưởng thành cùng nhau. Hôn nhân không hề là một cơn ác mộng. Hôn nhân là một hành trình mà ở đó mỗi người cần học cách đặt cái Tôi xuống vào những thời khắc quan trọng hoặc trong chính cuộc sống hàng ngày. Hôn nhân là đặt mình vào vị trí của bạn đời, để hiểu và thương, hoặc chính vì thương nên nỗ lực để hiểu.
Một cô gái hướng nội kết hôn với một chàng trai hướng ngoại. Một cô gái vụng bếp núc kết hôn với một chàng trai khéo nấu ăn. Một cô gái thích yên tĩnh chọn ở cùng một chàng trai thích tụ tập ồn ào. Sự khác biệt không phải lúc nào cũng đem lại những trải nghiệm thú vị, đôi khi nó tạo ra nghịch cảnh để xung đột xảy đến, để những nét tích cách quá khác biệt va chạm mạnh mẽ với nhau. Để xem rốt cục cái Tôi của mình nó to đến cỡ nào, nó nặng đến cỡ nào, cứ tiếp tục giữ bên mình hay tạm thời đặt nó xuống.
Ở tuổi 40, mình cảm thấy hài lòng với gia đình nhỏ. Mình cũng hiểu rằng chọn ở bên cạnh một người không hoàn hảo là bởi vì bản thân mình cũng đã hoàn hảo đâu. Người ta vẫn yêu thương và chấp nhận cả những góc xù xì nhất trong nội tâm của mình, thì tại sao mình còn e ngại?
Ở tuổi 40, mình vẫn hay thương lượng với chồng để có thể thoải mái đi cà phê hay đi chơi xa riêng cùng bạn bè. Mình vẫn có không gian riêng để sống trọn vẹn với “cô gái tuổi 20” năm ấy. Mình cũng đã thay đổi nhiều, nhưng ngọn lửa đam mê thời trẻ vẫn được lưu giữ và nhen nhóm mỗi ngày. Như việc mình đang ngồi đây, trong khoảnh khắc yên tĩnh này, nhớ về tuổi 20 của mình, mỉm cười và viết.
Gửi tuổi 20: Khi chỉ có một mình, ta cảm thấy cuộc sống đơn giản biết bao nhiêu
Em ở một mình, nấu nướng một mình, đi cà phê một mình, nghe nhạc một mình, đi dạo một mình, suy nghĩ vu vơ một mình, trò chuyện một mình, buồn vui cũng một mình nốt.
Mọi thứ chỉ bắt đầu trở nên phức tạp và hơi khó kiểm soát khi em bước chân ra khỏi thế giới riêng và kết giao với người khác.
Quá nhiều người bất đồng quan điểm. Quá nhiều màu sắc. Quá nhiều khác biệt. Những lời ngợi khen xen lẫn những lời chê bai. Những lời khích lệ xen lẫn những lời chỉ trích. Kẻ tốt, người xấu. Trời nắng, trời mưa. Ngày âm u, ngày tươi sáng. Tâm trạng tốt, tâm trạng bất ổn.
Hoặc, khi em vẫn yên ổn trong thế giới riêng của mình thì bỗng có một-ai-đó-khác xuất hiện và lặng lẽ bước vào cuộc sống của em. Em vừa cảm thấy hân hoan, vừa cảm thấy lo lắng, vừa cảm thấy ấm áp và lại vừa cảm thấy chông chênh. Có thêm một người đến, lại thêm một nỗi lo lắng khi nghĩ đến chuyện sẽ tới lúc người rời đi. Có được điều gì rồi, lại sinh thêm nỗi lo sẽ đánh mất điều ấy.
Trong thế giới riêng của mình, cảm giác an toàn và dễ chịu rõ ràng hơn. Nhưng em cũng hiểu rằng, chẳng một ai có thể sống mãi trong thế giới riêng của mình mà không kết giao với bất kì ai khác. Cô đơn trên sofa hay cô đơn trong căn villa không hề là một cảm xúc tiêu cực, nhưng cô đơn cả đời thì cũng không thể gọi là cảm xúc tích cực được.
Em vẫn phải bước ra ngoài, học cách kết giao và tương tác, học cách cho đi và nhận lại, học cách nâng lên và đặt xuống, học cách lưu giữ và từ bỏ, học chia sẻ và cất giấu, học cách ghi nhớ và lãng quên...